Sau lời giới thiệu của Nguyễn Thanh Long để Việt Á về Hải Dương chống dịch, Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh) đã có tác động khẩn trương ký kết hợp đồng với Việt Á.

    Tin tưởng vì Bộ trưởng giới thiệu

    Sáng 4/1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đại án Việt Á, trong đó tiếp tục tập trung vào các khoản "hoa hồng và lót tay" của các bị cáo. Để đối chất lại với lời khai của Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) trước đó, HĐXX mời bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương) lên bục khai báo.

    Bị cáo Thăng cho hay, trong lần dự Đại hội Đảng XIII, bị cáo đã gặp bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ y tế). Lúc đó, Long giới thiệu Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) về Hải Dương chống dịch, lúc này Hải Dương đang bùng dịch lần 3 với quy mô lớn.

    Hồ sơ điều tra - Cựu bí thư Hải dương Phạm Xuân Thăng khai cuộc họp tác động cho Việt Á

    Các bị cáo tại toà. 

    "Tuy nhiên, bị cáo đáp lại, vấn đề này phải họp thường vụ xem xét. Tiếp đó, bị cáo trao đổi với Giám đốc Sở y tế Phạm Mạnh Cường, Cường nói "được vậy thì tốt quá". Bị cáo nghĩ ông Long là người đứng đầu ngành y tế lại giới thiệu nên rất tin tưởng", bị cáo giải thích lý do Việt được vào Hải Dương chống dịch.

    HĐXX hỏi: Tại sao Việt có mặt trong cuộc họp thường trực của tỉnh uỷ, điều này có đúng thông lệ thành phần không?

    Bị cáo đáp: Trong bối cảnh dịch căng thẳng, cần huy động sức mạnh tổng thể, Việt Á lại là đơn vị chống dịch nên bị cáo nghĩ trong hoàn cảnh đó Việt tham dự là hợp lý. Nhưng bị cáo không mời và không biết ai đã mời Việt tham dự.

    HĐXX hỏi: Bị cáo có tác động nào giúp Việt Á hay không?

    Bị cáo Thăng đáp, trong cuộc họp online từ Hà Nội có chỉ đạo giao UBND tỉnh khẩn trương làm các hợp đồng với Việt Á, vì tình hình dịch căng thẳng. Điều này xuất phát từ thực tiễn, dịch bệnh bùng phát mạnh, những đoàn từ Trung ương cử về chưa đáp ứng hết được việc xét nghiệm lấy mẫu.

    Về việc nhận khoản tiền 50 nghìn USD và 600 triệu đồng nhận từ Phạm Duy Tuyến như lời khai của bị cáo này trước đó, ông Thăng thừa nhận là đúng. Quy kết của cơ quan điều tra về hành vi của bản thân là đúng. "Sau khi nhận tiền bị cáo dùng chi tiêu cá nhân, đến nay gia đình đã khắc phục", bị cáo nói thêm.

    3 lần kiến nghị thay đổi tội danh

    Theo KLĐT, ông Phạm Xuân Thăng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 28/1/2021, ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) gặp ông Thăng để giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm chống dịch của Công ty Việt Á và đề nghị ông Thăng cho Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch, ông Thăng đồng ý.

    Tại các cuộc họp trực tuyến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sau đó ông Thăng chủ trì và kết luận chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.

    Hồ sơ điều tra - Cựu bí thư Hải dương Phạm Xuân Thăng khai cuộc họp tác động cho Việt Á (Hình 2).

    Cựu bí thư tỉnh Phạm Xuân Thăng.

    Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch tại Hải Dương, ngày 20/2/2021, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của ông Thăng, đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau đó, ông Thăng đồng ý và giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

    Tại buổi gặp này, Việt đưa cho ông Thăng 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng). Ngày 22/2/2021, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức cuộc họp mở rộng, Phan Quốc Việt được tham dự và phát biểu, cho rằng CDC Hải Dương và Công ty Việt Á có thể đạt năng lực xét nghiệm 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày. Ông Phạm Xuân Thăng đã kết luận chỉ đạo nâng công suất của CDC Hải Dương lên 60.000 - 80.000 mẫu gộp/ngày, đúng như đề xuất của Phan Quốc Việt.

    Trên cơ sở kết luận của ông Phạm Xuân Thăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch giao Công ty Việt Á phối hợp CDC Hải Dương mở rộng phạm vi xét nghiệm.

    Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 25/10/2021, để bàn một số nội dung, trong đó có nội dung liên quan khó khăn trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch do ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) ký biên bản và thông báo.

    Từ đây, ông Phạm Xuân Thăng đã kết luận chỉ định ông Trần Văn Quân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm đợt 3 năm 2021, để CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền với Công ty Việt Á.

    Quá trình điều tra, ông Phạm Xuân Thăng khai nhận, ngoài 100.000 USD được việt đưa, còn được Phạm Duy Tuyến đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD vào khoảng tháng 5/2021.

    Ông Thang cũng thừa nhận, việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, của Tỉnh ủy Hải Dương, không đúng Luật Đấu thầu và điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, dẫn đến Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.

    Thời điểm đó, CDC Hải Dương đã mua hơn 226.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, giá thành sản xuất kit xét nghiệm thực tế là hơn 143.000 đồng/kit. Như vậy, hậu quả thiệt hại tại tỉnh Hải Dương là hơn 73,8 tỷ đồng.

    Trong vụ án, Phạm Duy Tuyến còn thỏa thuận, thống nhất nhận 27 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á để ưu tiên sử dụng kit xét nghiệm và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà doanh nghiệp của Phan Quốc Việt đưa ra.

    Trong vụ án này, CQĐT đã 3 lần kiến nghị thay đổi tội danh với ông Trịnh Xuân Thăng.

    Theo đó, ngày 17/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do có liên quan đến vụ Việt Á.

    Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Xuân Thăng từ tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự.

    Sau đó đến ngày 11/7/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Xuân Thăng từ tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

      Hà Nội
      63%
      28°C
      Kém
      129 US AQI
      Kém Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhóm Nhạy cảm. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài
      Ho Chi Minh City
      60%
      33°C
      Tốt
      37 US AQI
      Tốt Không ảnh hưởng đến sức khỏe

      Cập nhật lúc 09:48:03 29/04/2024(Theo AirVisual)

      Ghi chú: Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

      Đặng Ngọc Thuỷ / nguoiduatin.vn

      Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cuu-bi-thu-hai-duong-pham-xuan-thang-khai-cuoc-hop-tac-dong-cho-viet-a-a643527.html