Vào khoảng 17 giờ 45 phút ngày 29-3, Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội bất ngờ nhận được tin báo từ Trung tâm thông tin chỉ huy, Công an thành phố về việc có người nhảy cầu Long Biên tự tử…

    Ngay lập tức, chỉ huy đội cứu nạn, cứu hộ trên sông đã cử 7 cán bộ chiến sĩ và một ca nô đến hiện trường vụ tai nạn, phối hợp cùng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Long Biên tìm kiếm cứu nạn. "Chúng tôi cho cano chạy với tốc độ 60km/h, tốc độ gần như cao nhất cho phép với hy vọng còn kịp cứu nạn nhân" - Đại úy Đỗ Văn Ánh, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cho biết.

    Theo Thiếu tá Bùi Duy Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, rất may sự việc xảy ra khi trời còn sáng nên việc xác định vị trí nạn nhân dễ dàng và trinh sát nhảy xuống sông tiếp cận mục tiêu thuận lợi hơn. Sau khi xác định nạn nhân vẫn còn sống, đang bám vào chân cầu, khu vực trụ giữa cầu Long Biên, tổ công tác đã nhanh chóng triển khai ứng cứu.

    "Khi tiếp cận đến nơi, nạn nhân rất yếu ớt, mắt lờ đờ, người đã mềm nhũn. Nếu chúng tôi đến chậm vài phút nữa thì khả năng cứu sống được người này sẽ không còn"- Binh nhất Huỳnh Tiến Đạt, chiến sĩ nghĩa vụ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông nhận định.

    Ngay sau đó, nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa lên cano an toàn. Sau khi sơ cứu, nạn nhân được đưa vào Bệnh viện 108 cấp cứu. Danh tính nạn nhân được xác định là Nguyễn Hoàng S, trú tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Cũng theo chia sẻ của lực lượng cứu hộ, em S có biểu hiện của người bị trầm cảm.

    Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an thành phố Hà Nội, tính từ ngày 15-12-2023 đến nay, lực lượng cứu hộ trên sông đã cứu sống được 5 người nhảy cầu tự tử; tìm thấy 4 thì thể.

    "Người nhảy cầu tự tử có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động này. Khi nhảy họ không biết mình nhảy như thế nào. Có những nạn nhân nhảy ở khu vực cầu quá cao dẫn tới bị áp suất nước ép mạnh vào người gây chấn thương cơ thể thì khó có khả năng sống sót; hoặc có nạn nhân khi nhảy xuống là bị nước cuốn trôi ngay lập tức. Những nạn nhân còn sống là những trường hợp rất may mắn tiếp nước thuận, bám được vào chân cầu hoặc những vật đang trôi, hoặc biết bơi nên thời gian sống kéo dài hơn, có cơ hội được lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời" - Thiếu tá Bùi Duy Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông chia sẻ.

    Được biết, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông nằm ở vị trí bãi bồi giữa sông Hồng. Nếu như gặp thời điểm nước lên, cano cứu hộ, cứu nạn có thể chạy thẳng, rút ngắn thời gian và khoảng cách đến vị trí các nạn nhân. Nếu nước cạn, sẽ phải chạy vòng xa hơn. "Ví dụ như vụ cứu nạn nhân Nguyễn Hoàng S nhảy cầu Long Biên, nếu như nước cạn, chúng tôi sẽ phải chạy vòng xuống cầu Vĩnh Tuy sau đó vòng lại, sẽ xa hơn khoảng 2km" - Thiếu tá Bùi Duy Long cho biết thêm và nhấn mạnh mỗi khi cứu thành công một nạn nhân nhảy cầu tự tử, đó là niềm tự hào đối với những chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông và đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn có ý nghĩa cao quý hơn là cứu sống một mạng người.

      Hà Nội
      97%
      24°C
      Trung Bình
      60 US AQI
      Trung Bình Ở mức chấp nhận được. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài
      Ho Chi Minh City
      76%
      28°C
      Trung Bình
      67 US AQI
      Trung Bình Ở mức chấp nhận được. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài

      Cập nhật lúc 00:27:02 10/09/2024(Theo AirVisual)

      Ghi chú: Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

      Hà An / An Ninh Thủ Đô

      Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/vu-nam-thanh-nien-nhay-cau-long-bien-tu-tu-y-nghia-cao-quy-hon-la-cuu-song-mot-mang-nguoi-post571710.antd