Lạm phát đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 2 của Mỹ tăng đúng với kỳ vọng ở mức 2,8% cho thấy, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ổn định trong bối cảnh chi tiêu tăng cao.

    Lạm phát không cao hơn dự báo là cơ sở để FED cắt giảm lãi suất quỹ liên bang vào tháng 6 tới; đồng thời cho thấy, nền kinh tế số một thế giới có thể đạt được một cú "hạ cánh mềm" là kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

    Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 2, chỉ số PCE lõi - trừ thực phẩm và năng lượng, tăng 2,8% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng trước. Đây là xu hướng đáng khích lệ đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của các chuyên gia. Nó cũng là thước đo quan trọng trong tính toán của FED về xu hướng lạm phát trong tương lai. Chỉ số này cho thấy lạm phát phù hợp với kỳ vọng, có khả năng ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương. Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial ở Charlotte, Bắc Carolina, cho biết: "Lạm phát dịch vụ cốt lõi đang chậm lại và có thể sẽ tiếp tục trong suốt cả năm".

    Bên cạnh áp lực lạm phát, chi tiêu tiêu dùng - chiếm 2/3 hoạt động kinh tế "xứ Cờ hoa" cũng tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn so với mức dự báo 0,5%. Như vậy, tiêu dùng vẫn giữ được phần lớn động lực trong quý đầu tiên và Chi nhánh Atlanta của FED đã nâng ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên mức 2,3% hằng năm (trước đó là 2,1%). Tuy có một số mức tăng, phản ánh giá xăng cao nhưng các chuyên gia cho rằng, Mỹ tiếp tục vượt trội so với các nước nhờ sức mạnh thị trường lao động bền bỉ. Lạm phát hằng năm của Mỹ đã giảm vào năm 2023 sau khi đạt đỉnh 7,1% vào giữa năm 2022.

    Sự gia tăng lạm phát bắt đầu vào mùa xuân năm 2021 khi nền kinh tế Mỹ đang phục hồi lại sau cuộc suy thoái vì đại dịch Covid-19, khiến các nhà máy, bến cảng và bãi vận chuyển hàng hóa tràn ngập đơn đặt hàng. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng giảm bớt, chi phí nguyên vật liệu giảm và làn sóng người tìm việc tràn vào khiến người sử dụng lao động dễ dàng kiểm soát mức tăng lương, một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Vào tháng 3-2022, FED bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng làm chậm hoạt động cho vay và chi tiêu cũng như hạ nhiệt lạm phát. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên 11 lần - mức cao nhất trong 23 năm. Động thái này đã phát huy tác dụng như mong đợi trong việc giúp chế ngự lạm phát.

    Trong bối cảnh này, các nhà phân tích lo ngại chi phí đi vay của các công ty tăng vọt sẽ gây ra tình trạng sa thải nhân viên trên diện rộng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ lành mạnh từ 2% trở lên trong sáu quý liên tiếp. Cùng với đó là tăng trưởng việc làm vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% trong 25 tháng liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ những năm 1960. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, FED có thể cắt giảm lãi suất cơ bản trong những tháng tới. Việc này theo thời gian sẽ dẫn đến chi phí thấp hơn cho các khoản vay mua nhà và ô tô, vay thẻ tín dụng và cho vay kinh doanh. Những dự báo lạc quan này có thể hỗ trợ triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Joe Biden.

    Mặc dù áp lực giá đang giảm bớt nhưng tốc độ đã chậm lại so với nửa đầu năm ngoái và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, dữ liệu lạm phát tháng 2 "phù hợp với những gì chúng tôi muốn thấy". Ngân hàng trung ương xem xét các biện pháp khi đưa ra chính sách, họ coi chỉ số PCE cốt lõi là thước đo hiệu quả về áp lực lạm phát dài hạn. FED đặt mục tiêu lạm phát hằng năm là 2% trong khi chỉ số PCE đã không ở dưới mức đó trong ba năm. Các cuộc khảo sát cho thấy, giá cả ở mức cao đang gây áp lực lên các hộ gia đình Mỹ mặc dù mức lương trung bình tăng mạnh. Michael Pearce, nhà kinh tế học tại Oxford Economics nhận định, mức tăng giá tiêu dùng 0,3% từ tháng 1 đến tháng 2 có lẽ vẫn quá "nóng" đối với các biện pháp chống lạm phát của FED. Lãi suất chính sách của Ngân hàng trung ương vẫn giữ nguyên ở phạm vi 5,25%-5,50% trong cuộc họp chính sách gần nhất của FED vào tháng này.

    FED đã phát tín hiệu rằng họ dự kiến cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay và các nhà đầu tư phố Wall đang háo hức chờ đợi động thái này. Theo nhà kinh tế học Michael Pearce, việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 có nhiều khả năng xảy ra hơn so với tháng 5 mà ông và các đồng nghiệp ở Oxford đã dự đoán trước đây.

      Hà Nội
      70%
      23°C
      Rất xấu
      206US AQI
      Rất xấuCảnh báo sức khỏe khẩn cấp. Ảnh hưởng đến tất cả cư dân
      Ho Chi Minh City
      80%
      26°C
      Trung Bình
      75US AQI
      Trung BìnhỞ mức chấp nhận được. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài

      Cập nhật lúc 01:51:03 07/10/2024(Theo AirVisual)

      Ghi chú: Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

      Thùy Dương / Hà Nội Mới

      Nguồn: https://hanoimoi.vn/cu-ha-canh-mem-cho-nen-kinh-te-my-662311.html