Ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

    Kế hoạch nhằm thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

    Kế hoạch nêu rõ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong danh mục kèm theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Trong đó, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019, hoàn thành trong năm 2024. Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch thời kì 2021 - 2030 về phát triển giáo dục và đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan, hoàn thành trong năm 2024; ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu quy định tiêu chuẩn đối với giáo viên một số môn nghệ thuật ở các cấp học phổ thông; nghiên cứu, thí điểm mô hình liên kết đào tạo các môn học chuyên biệt (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật); đề xuất, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).

    Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng, Nhà nước.

    Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách; từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ.

    Thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa

    Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục, tồn tại hạn chế; phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Khi kết thúc năm học 2024 - 2025, tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổng kết đánh giá việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, sách giáo khoa cho người khiếm thị bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ; hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Đồng thời, Bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mua sắm thiết bị dạy học và công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, trong đó có việc phân cấp phê duyệt tài liệu giáo dục của địa phương.

    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan chuẩn bị, ban hành Chương trình giáo dục hướng nghiệp và Chương trình giáo dục nghề phổ thông, chương trình trường trung học phổ thông kỹ thuật phù hợp với nhu cầu chung của quốc gia và nhu cầu riêng của các địa phương.

    *Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới

    Về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trong đó có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) bảo đảm phù hợp thực tiễn.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoàn thành trong năm 2024.

    Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá và ban hành chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nghiên cứu, rà soát tổng thể, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

    Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định, ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đề xuất hình thức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được giao.

    Các địa phương tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo; bố trí đầy đủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị; xây dựng phương án và triển khai thực hiện việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách.

      Hà Nội
      26%
      38°C
      Kém
      116 US AQI
      Kém Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhóm Nhạy cảm. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài
      Ho Chi Minh City
      57%
      34°C
      Tốt
      27 US AQI
      Tốt Không ảnh hưởng đến sức khỏe

      Cập nhật lúc 18:12:02 27/04/2024(Theo AirVisual)

      Ghi chú: Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

      PV / Ngày Nay

      Nguồn: https://ngaynay.vn/tao-su-chuyen-bien-tich-cuc-trong-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-post144745.html