Chuyên gia cho rằng, các thầy cô cần sáng tạo, đưa ra những bài tập phù hợp nhằm ôn tập kiến thức tránh kỳ nghỉ trở thành nỗi ám ảnh với học sinh.

Chỉ vài ngày nữa học sinh sẽ bắt đầu kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày, việc giao bài tập trước mỗi kỳ nghỉ vẫn là nội dung được các em quan tâm, lo lắng.

Với Chương trình GDPT 2018,  đổi mới về cách thức kiểm tra đánh giá học sinh, giờ đây các thầy cô cũng cần linh hoạt đổi với việc ôn tập ngày tết, trách khiến các em không có kỳ nghỉ trọn vẹn bởi số lượng khủng bài tập về nhà.

Chia sẻ về vấn đề này với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội) cho rằng, học sinh vẫn cần bài tập tết đặc biệt đối với những học sinh cấp tiểu học.

"Tuy nhiên, các thầy cô giáo phải hiểu, bài tập cho kỳ nghỉ nhằm giúp học sinh ôn tập, nhớ lại kiến thức, khởi động lại tinh thần học tập sau thời gian dài nghỉ tết chứ không phải giao lượng lớn bài tập cho các em", ông Hoà cho biết.

Giáo dục - Bài tập nghỉ Tết: Giao bao nhiêu là đủ?

TS. Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội).

Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Hoà cho rằng thời điểm gửi bài tập tết vào trước đi học khoảng 2-3 ngày để học sinh vẫn có khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhưng vẫn có thể ôn lại kiến tập đã học, tránh giao trước tết làm dồn hết bài tập cũng sẽ không đem lại hiệu quả ôn tập cho các em.

"Nếu chúng ta giao quá nhiều bài tập và giao sớm phụ huynh sẽ bắt làm học sinh làm bài, các em sẽ không được vui chơi đón tết. Chỉ nên đưa ra lương bài tập vừ phải, vừa sức vì học sinh nghĩ dài dễ quên kiến thức, có tâm lý ngại học. Vì vậy các thầy cô cần thiết kết bài tập để các em khởi động chứ không thể sau kỳ nghỉ là tự nhiên học được ngay", ông Hoà chia sẻ.

Đưa ra ý kiến nên có lượng bài tập tết hợp lý cho học sinh, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán tại Hà Nội bày tỏ: "Bài tập tết phải dựa trên tinh thần nhẹ nhàng, hợp lý, hiệu quả. Không nên quá cứng ngắc với số lượng bài tập lớn, thầy cố cần linh hoạt giữa ôn tập lại kiến thức, đan xen những bài tập có tính kỹ năng, vui vẻ phù hợp với ngày tết".

Thầy giáo cho rằng tránh biến kỳ nghỉ đầu năm trở thành thời gian ôn tập, luyện thi. "Mọi người cứ nghĩ số ngày nghỉ tết dài nhưng học sinh không có quá nhiều thời gian thừa, vì còn phụ giúp gia đình dọn nhà cửa, đi mua sắm.

Chuyện học hành, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi phải đan xen nhau. Có thể, dịp nghỉ tết, học sinh hơi bẵng đi một chút việc học làm bài, nhưng ra tết giáo viên dành một khoảng thời gian để củng cố", ông Tùng đưa ra quan điểm.

Giáo dục - Bài tập nghỉ Tết: Giao bao nhiêu là đủ? (Hình 2).

Nên linh hoạt các hình thức bài tập tết cho học sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo thầy giáo, việc học tập hằng ngày của học sinh đã hết sức căng thẳng. Nếu trong kỳ nghỉ tết, các em lại bị giao bài tập thì căng thẳng càng bị đẩy lên cao.

"Đặc biệt, nếu thầy cô cứ giao nhiều nhưng học sinh không thực hiện. Có em làm không đến nơi đến chốn hoặc không trung thực. Ngay buổi học đầu tiên của năm mới, thầy cô khó có hình thức phạt học sinh. Trong trường hợp giao bài tập dịp Tết nhưng thầy cô không kiểm tra, chấm thì thà không giao còn hơn", thầy Tùng đánh giá.

Với Chương trình GDPT mới giáo viên cần chuyển hướng giao cho học sinh thực hiện những hoạt động rất ý nghĩa về ngày tết, theo lứa tuổi, từng địa phương. Đồng thời dặn dò học sinh giữ sức khỏe, ăn tết, chơi tết lành mạnh, để ra tết đi học bình thường.

Ngoài ra, nên biến thời gian nghỉ Tết là cơ hội để học sinh tìm hiểu văn hóa dân tộc, sum họp gia đình, thăm hỏi mọi người trong họ hàng sẽ có ý nghĩa hơn.

Năm nay, thời gian nghỉ tết của học sinh và cán bộ, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội là 8 ngày. Cụ thể là từ ngày 7/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Trong thời gian nghỉ tết, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT, các nhà trường tiếp tục tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của ngành đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trật tự an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường để theo dõi, quản lý học sinh không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, không chơi cờ, bạc và các tệ nạn xã hội.

Hà Nội
97%
24°C
Trung Bình
61 US AQI
Trung Bình Ở mức chấp nhận được. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài
Ho Chi Minh City
76%
28°C
Trung Bình
67 US AQI
Trung Bình Ở mức chấp nhận được. Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài

Cập nhật lúc 01:03:03 10/09/2024(Theo AirVisual)

Ghi chú: Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

Nguyễn Hoa Trà / nguoiduatin.vn

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bai-tap-nghi-tet-giao-bao-nhieu-la-du-a648105.html